Monday, March 17, 2008

Tuổi Vàng Trên Ðất Mỹ

Bức hình rất có ý nghĩa!
Mẹ Già như chuối Ba Hương, Gió lay Mẹ......

Ảnh: Tường Linh
Ðạo Làm Con. Ca sĩ Tường Nguyên
http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=746
March 03, 2007
Tuổi vàng trên đất Mỹ
Ls. Nguyễn Thu Hương
Cảm nghĩ về tâm tư của Phu-nhân cựu Trung-tướng Lâm Quang Thi
Ngày 12 tháng giêng năm 2007, mạng web AlterNet có đăng một bài của Andrew Lâm viết lại tâm tư của mẹ anh, Phu-nhân cựu Trung-tướng Lâm Quang Thi (TT Thi), về sự cô đơn của người Việt cao niên trên đất Mỹ. (http://alternet.org/story/46609/) Đây không phải là một đề tài mới lạ trong cộng đồng người Việt tỵ nạn, nhưng tâm sự của một bà cụ ở khoảng tuổi 75, dự tính một chuyến qua Âu châu vào lúc cuối đời để thăm và từ giã bà con, bè bạn, thật vô cùng xúc động.
Người già bị lãng quên bên dòng sông

Phu nhân TT Thi nhắc lại câu nói thường được nghe trong cộng đồng: nước Mỹ là thiên đàng của giới trẻ nhưng lại là địa ngục của người già. Bà cảm thấy hụt hẫng với kiếp lưu vong khi để lại phía sau nền văn hóa Việt trong đó giá trị gia đình, tổ tiên, quê hương được xem trọng và những tương trợ từ thân quyến, bạn bè lúc nào cũng sẵn sàng có mặt trong đời sống hằng ngày.

Bà Thi cảm thấy rằng thời gian trôi chảy trên đất Mỹ cứ mang dần đi những báu vật của con người, từ bạn bè, bà con, đến trí nhớ và sức khỏe. Khi tuổi đời càng lớn, đặc biệt khoảng “thất thập cổ lai hi”, những tin tức của người thân về bệnh hoạn và những chuyến ra đi vĩnh viễn không ngừng đem đến các đợt buồn dai dẳng.
Phu nhân TT Thi kể lại những chuyến đáp xe bus đi thăm mẹ và mẹ chồng khi các cụ còn sống trong viện dưỡng lão. Sự thăm nom thường xuyên của con cháu hai cụ Việt Nam này cho thấy một sự khác biệt to lớn so với các cụ người bản xứ. Đa số những người cao niên Mỹ sống âm thầm, cô độc trong tuổi già bóng xế, trông ngóng những hình dáng thân yêu họ từng cưu mang nuôi dưỡng trong mõi mòn tuyệt vọng.

Cái nhìn từ một người trung niên
Tôi thường tự hỏi không biết tại sao những người Đài Loan, Ấn Độ, Đại Hàn, v.v.. lại chọn cuộc sống ly hương khi tình trạng chính trị của nước họ không có gì quá đáng để bỏ đi. Dĩ nhiên mình tôn trọng sự chọn lựa của mọi người và biết rằng phẩm chất của đời sống tại nước Mỹ vượt xa so với các nước đang phát triển. Vấn đề là nơi đây có phải “địa ngục của người già?”
Chắc chắn không ai có đủ thẩm quyền hơn những người cao niên để trả lời câu hỏi này. Qua tâm tình của Phu nhân TT Thi thì những nỗi cô đơn trong cuộc sống hằng ngày, những niềm đau chia cách với người thân thích quả thật đáng quan ngại vô cùng. Nếu được may mắn, chúng tôi sẽ có dịp trải qua thời gian “cao niên” này trong tương lai. Bây giờ nhìn phía trước mặt, xin được học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, các bác, các cô chú để chuẩn bị tinh thần cho chính bản thân mình tháng ngày sắp tới.
Một thế hệ sau ông bà TT Thi, chúng tôi thành thật chia xẻ những nỗi cô đơn và những đớn đau do sự chia lìa với người thân thích mà thế hệ trước đang gặp phải. Nhìn lại, chúng tôi chợt giật mình. Dù sao thế hệ của ông bà TT Thi vẫn được một vài may mắn hơn chúng tôi. Thế hệ con của các vị đa số được lớn lên ở Việt Nam, ít nhiều cũng tiêm nhiễm phần nào văn hóa Việt. Còn con cháu chúng tôi, hầu hết được sinh ra hoặc lớn lên tại Mỹ, liệu tương lai của chúng tôi trong các nhà dưỡng lão có sẽ giống như hình ảnh của những người bản xứ mà phu nhân TT Thi đã gặp?

Một nhịp sống ngại ngùng
Cách đây mấy tuần lễ, nhân dịp có người bạn từ Úc qua chơi, chúng tôi tụ lại nhà một người bạn để cùng nhau hàn huyên tâm sự. Nơi chúng tôi đến là nhà anh chị H., bà con chú bác của người bạn từ bên Úc qua. Anh H. ngày xưa là giám đốc một chi nhánh ngân hàng. Khi qua Mỹ, hai vợ chồng lo đi cày hai ba job để có tiền nuôi con ăn học. Bây giờ anh chị H. vừa quá 60, bị hãng cho nghỉ việc từ mấy năm nay, sống chung nhà với gia đình đứa con gái lớn. Mãi lo trò chuyện vì lâu ngày bà con mới gặp lại nhau, anh H. chợt nhớ đã quá giờ ăn tối bèn quay qua đứa con gái đang ngồi nơi phòng khách xem TV, bảo: “Con làm cho ba bữa cơm đãi các chú thím đi”. Cô con gái, khoảng trên 30, ngoái cổ nhìn cha rồi ung dung quay lại tiếp tục xem TV, không buồn trả lời một tiếng. Chúng tôi nhìn nhau ái ngại. Anh H. buồn bã lắc nhẹ đầu, đứng dậy đi vào bếp để chị H. tiếp tục thăm hỏi bà con của chị.
Tôi bước theo vào bếp giúp anh H. chuẩn bị vài món ăn đơn giản. Đứa con gái đã tắt TV, cùng chồng con ra xe, có lẽ đi ăn ngoài tiệm. Tôi thấy anh H. bước ra ngoài phòng khách, mở tủ rượu ra có vẻ tìm kiếm, rất lâu, xong đóng cửa tủ lại quay vào. Tôi hỏi: “Muốn khui rượu đãi khách phải không?” Anh đáp: “Ừ, nhưng ngại quá, của vợ chồng nó.” Tôi ngoắc ông xã tôi ra ngoài, nhờ anh chạy ra Safeway mua hai chai rượu nho. Khi thấy chồng tôi mang rượu vào, anh H. nhìn tôi nói cám ơn. Tôi thấy mắt anh ướt và đỏ. Hình như mắt tôi cũng cay cay.

Chuẩn bị tinh thần
Từ những bài học chung quanh, chúng tôi thiết nghĩ sự chuẩn bị tinh thần để sống quãng đời cao niên là cần thiết. Một chọn lựa được nhiều người đề cập đến là trở lại Việt Nam để sống những năm tháng cuối đời. Chúng tôi xin miễn bàn về giải pháp này mà chỉ xin chú trọng đến tuổi già trên đất Mỹ. Chúng tôi nên hành xử thế nào?
1. Chấp nhận sự khác biệt giữa hai nền văn hóa. Đây là một sự thật không được vui lắm, chấp nhận có lẽ tốt hơn là than phiền và buồn bực vì nó. Đời sống đại gia đình với hai ba thế hệ dưới một mái nhà hình như không thích hợp lắm ở đây. Dĩ nhiên có những gia đình may mắn có thể chung sống hạnh phúc được với nhau thì thật là tuyệt diệu. Nếu không, dù sao hệ thống an sinh xã hội của Mỹ cũng có thể bảo đảm phần nào những nhu cầu cần thiết của người lớn tuổi. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để không sống chung với con cái và hiểu rằng rằng đời sống của chúng rất bận rộn, việc thăm nom chúng tôi thường xuyên rất khó khăn. Chúng tôi sẽ trông cậy vào những người đồng lứa với mình.
2. Giữ tâm hồn cởi mở để được nhiều bạn cao niên như mình. Nhiều người thường nghĩ rằng bạn cũ, bạn nối khố, bạn từ thời còn đi học mới quý, mới thân và bền. Chúng tôi nghĩ điều đó hoàn toàn đúng, nhưng không phải vì vậy mà bạn mới không có giá trị riêng của họ. Chúng tôi sẽ cố gắng giữ tâm hồn cởi mở để có được nhiều bạn, nào là bạn hát karaoke, bạn ở chùa hoặc nhà thờ, bạn trong hội người cao niên, bạn trong các buổi họp mặt cộng đồng, dạ vũ, v.v.. Nếu mình không đòi hỏi một sự vẹn toàn từ bạn bè thì có thể việc được thêm bạn không phải là khó khăn lắm. Có được nhiều bạn để an ủi, giúp đở, tâm sự và chia xẻ buồn vui là điều cần thiết. Với lại, hai vợ chồng chung sống với nhau, thế nào cũng có người đi trước, người còn lại sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống đơn chiếc. Bạn bè sẽ giúp được ta rất nhiều trong hoàn cảnh này.
3. Tiếp tục học hỏi những điều mới lạ. Đáng mừng là ở Mỹ cơ hội học hỏi quá nhiều. Từ những lớp trong đại học cộng đồng, của thành phố, học khu, đến các khóa trong DVD, TV, sách vở, internet dạy chúng ta cách thưởng thức âm nhạc, hội họa, phim ảnh, dạy cách nấu ăn, chụp hình, may vá, v.v.. thôi thì đủ thứ để tìm hiểu tùy sở thích của mình. Tuổi già thiếu thốn nhiều thứ nhưng thời giờ thì có dư. Tận dụng sự rảnh rang này de mở mang thêm kiến thức thì tuyệt.
4. Tham dự các công tác từ thiện hoặc công ích. Việc thấy mình còn có thể làm được những điều hữu ích cho xã hội sẽ mang đến nhiều niềm vui. Nếu sức khỏe cho phép, chúng tôi sẽ tình nguyện giúp việc, không lương, cho các thư viện, nhà thương, trường học hoặc các cơ quan công quyền khác.
5. Du lịch càng sớm càng tốt. Nhiều bạn tôi nghĩ rằng đời sống bận rộn quá, thời giờ đâu mà đi du lịch, thôi thì để mai mốt rảnh rang sẽ đi. Thật ra nhiều khi mãi mê công việc, lo làm kiếm tiền, đến khi có thời giờ và tiền bạc thì lại không còn đủ sức khỏe để đi đó đi đây. Chúng tôi nghĩ đi du lịch sớm là một ý kiến hay, ít ra mình biết được nhiều nơi mới lạ và sau này có được những hình ảnh và kỷ niệm đẹp.
Cảm thông với thế hệ cao niên và săn sóc họ.
Ai rồi cũng sẽ già đi và nếu cảm thông được với những người đi trước để thương yêu, săn sóc, học hỏi từ họ là điều nên làm của thế hệ trung niên. Việc phu nhân TT Thi thường xuyên đáp xe buýt đi thăm các bà mẹ già trong viện dưỡng lão khiến chúng tôi xúc động vô cùng.
Thế hệ trung niên chúng tôi chắc chắn phải học hỏi từ gương sáng của bà.
-----------------

Ðề tài đáng suy gẩm.

Xin góp phần phổ biến

Thanh Phong

17-03-2008